Chương trình Trung học cơ sở
ban hành theo Quyết định số 3/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 24 tháng 1 năm 2002 của Bộ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định cho tất cả các môn học “phải dành một
thời lượng thích đáng cho các vấn đề địa phương”. Khi cơ cấu chương trình, phần
chương trình địa phương ba môn : Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí được quy định số tiết
cụ thể, trong đó môn Lịch sử được dạy từ lớp 6 đến lớp 9, có 7 tiết ; môn Địa lí
chỉ dạy ở lớp 9 với 4 tiết. Phần chương trình địa phương giao cho các địa phương
tự biên soạn phục vụ cho việc dạy – học của giáo viên và học sinh.
Chương trình Trung học cơ sở
(THCS) đã được thực hiện từ năm 2002, đến nay đã 4 niên khoá, nhưng 4 năm qua,
các thầy cô và học sinh hết sức lúng túng, vì thiếu tài liệu cho phần chương
trình địa phương. Vì thế, việc cung cấp tư liệu để định hướng dạy – học thống
nhất chung trong toàn tỉnh là việc làm hết sức cấp thiết, nên Sở Giáo dục và Đào
tạo tỉnh Bình Thuận tổ chức biên soạn Tài liệu dạy – học chương trình Lịch sử,
Địa lí địa phương Trung học cơ sở này.
Nội dung tài liệu được nhóm
biên soạn sưu tầm, chọn lọc để phù hợp với yêu cầu định hướng giới hạn chương
trình ở từng tiết học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khi viết, nhóm biên soạn dựa
vào các nguồn tư liệu về lịch sử, địa lí đã được các nhà xuất bản phát hành rộng
rãi, tài liệu Lịch sử Đảng tỉnh Bình Thuận, các công trình nghiên cứu, các tư
liệu lưu trữ của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Văn hoá Thông tin, Cục Thống kê, Đài
Thuỷ văn Tuy Phong, Phan Thiết, Hàm Tân, Tánh Linh, kết hợp với khảo sát thực tế
hiện trạng địa lí, môi trường của tỉnh Bình Thuận.
Tài liệu đã được Ban Tuyên
giáo Tỉnh uỷ thẩm định, góp ý, hiệu đính, bổ sung, thống nhất về nội dung.
Tài liệu này viết theo từng
tiết bài học, được cơ cấu trong phân phối chương trình chính khoá. Giáo viên và
học sinh khi sử dụng tài liệu cần lưu ý mấy vấn đề sau đây : Nội dung tài liệu
nhằm giới thiệu những vấn đề về lịch sử, địa lí chung của toàn tỉnh, có thể có
một số địa phương được nhắc đến cụ thể, nhưng cũng có một số vấn đề, sự kiện của
một số địa phương chưa được đề cập. Vì vậy, giáo viên phải hướng dẫn cho học
sinh biết được “các vấn đề địa phương” ở đây có thể hiểu là của làng, xã, quận,
huyện, thành phố, tỉnh, có khi liên quan đến vùng, miền. Từ đó, giúp học sinh
hiểu sâu hơn, cụ thể hơn những vấn đề nằm ngoài tài liệu, nhưng gần gũi của xóm
làng, thôn, xã, tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc với thực tế, có thể tổ chức
tham quan, gặp gỡ với người thật việc thật, cảnh thật,... ở nơi các em đã sinh
ra và lớn lên, nơi gắn bó với bao kỉ niệm của thời tuổi thơ, đã để lại dấu ấn
sâu sắc trong tâm hồn mà các em sẽ mang theo suốt cả cuộc đời.