Chương trình
cấp Trung học cơ sở (THCS) do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành từ năm học 2002 –
2003 có dành một thời lượng chính khoá cho Chương trình địa phương ở ba môn :
Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí. Môn Lịch sử dạy từ lớp 6 đến lớp 9, mỗi năm từ 1 đến 2
tiết/ khối lớp ; môn Địa lí chỉ dạy 4 tiết ở khối lớp 9 ; riêng môn Ngữ văn có
một thời lượng khá lớn, mỗi năm dạy từ 5 đến 6 tiết / khối lớp, từ lớp 6 đến lớp
9.
Đưa Chương
trình địa phương vào chương trình chính khoá cho việc dạy – học cấp THCS xuất
phát từ những yêu cầu nhằm bổ sung trang bị cho học sinh có vốn kiến thức tương
đối toàn diện về góc độ xã hội và nhân văn. Trước đây, trong sách giáo khoa Văn
– Tiếng Việt – Làm văn, Lịch sử, Địa lí THCS đã cơ cấu biên soạn nội dung cung
cấp kiến thức cho học sinh hiểu biết khá rộng từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây,
học sinh học địa lí Châu Mĩ, Châu Âu, Châu Phi, học lịch sử thế giới từ cổ đại
đến hiện đại, học văn học thế giới từ văn học Trung Quốc, Ấn Độ, Mĩ, Nga, Pháp,
Anh, Đức nhưng những nét đặc điểm cơ bản về địa lí, lịch sử, văn học trên chính
quê hương mình thì không có điều kiện để biết đến, vì cơ cấu chương trình không
dành thời lượng cho vấn đề địa phương. Chính vì vậy, từ năm 2002, tiến hành thay
sách giáo khoa THCS, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa Chương trình địa phương vào
dạy và học trong chương trình chính khoá, nhằm giúp cho học sinh khi vào đời có
được những kiến thức khái quát cơ bản nhất định về địa lí, lịch sử, ngữ văn ở
trên chính quê hương mình.
Chương trình địa phương nhằm đề cập đến những vấn đề riêng của từng tỉnh,nên
trong sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chỉ định hướng chung,
còn giao cho từng địa phương biên soạn những nội dung cụ thể để sát hợp với tình
hình thực tế. Đối với tỉnh Bình Thuận, từ khi tiến hành thay sách giáo khoa THCS
môn Ngữ văn, ngành giáo dục đã từng bước tiến hành chỉ đạo việc dạy và học
Chương trình địa phương, nhưng từ thực tế cho thấy việc đưa nội dung kiến thức
vào trường phổ thông để dạy – học là một vấn đề rất quan trọng, cần phải có sự
đầu tư, nghiên cứu mang tính khoa học, nên chúng tôi đã tiến hành biên soạn
Tài liệu dạy – học Chương trình Ngữ văn địa phương THCS tỉnh Bình Thuận.
Viết tài liệu dạy – học này, chúng tôi căn cứ vào phân phối chương trình khung
chính khoá của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định về thời lượng, về định hướng
trong sách giáo khoa cho từng tiết học. Dựa trên định hướng và cơ cấu tổng thể
của hệ thống Chương trình Ngữ văn THCS từ lớp 6 đến lớp 9, từ đặc điểm thể loại
đến nội dung, chúng tôi đã cơ cấu Chương trình Ngữ văn địa phương THCS theo từng
cấp lớp như sau :
– Lớp 6 chủ yếu giới thiệu thể loại tự sự – trích dẫn tư liệu dạy học : đọc hiểu
văn bản truyện dân gian ;
– Lớp 7 tập trung vào thể loại trữ tình và nghị luận – trích dẫn tư liệu dạy học
: đọc hiểu văn bản ca dao, tục ngữ ;
– Lớp 8 tập trung vào thể loại thuyết minh và văn học viết – giới thiệu hai tác
giả tiêu biểu về văn học trung – cận đại địa phương : Nguyễn Thông và Trương Gia
Mô ;
– Lớp 9 tích hợp các thể loại trong cả cấp học và chỉ giới thiệu bài khái quát
về văn học hiện đại địa phương từ đầu thế kỉ XX đến nay, không trích văn bản để
đọc hiểu, nhưng được bổ sung đọc thêm khá phong phú trong phần Phụ lục.
Trong mỗi cấp lớp đều có trích dẫn đọc thêm một số bài viết mang tính nhật dụng
để học sinh tham khảo.